Tranh chấp luôn là điều có thể phát sinh bất cứ lúc nào trong quá trình kinh doanh. Vậy tranh chấp trong kinh doanh là gì? Làm sao để nhận biết được như thế nào là một tranh chấp kinh doanh? Khi tranh chấp xảy ra, làm thế nào để giải quyết chúng? Hãy cùng Công ty Luật Apolo Lawyers tìm hiểu về vấn đề trên. Trong trường hợp Quý khách hàng có vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với chúng tôi thông qua số hotline 0903.419.479 hoặc email contact@apolo.com.vn.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các tranh chấp kinh doanh thương mại là: Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
Như vậy, một tranh chấp kinh doanh phải đủ 03 yếu tố:
Là những tranh chấp (mâu thuẫn) liên quan đến quyền và nghĩa vụ các bên;
Phát sinh từ hoạt động kinh doanh hoặc có liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời;
Phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh, hay có thể gọi là các thương nhân.
Các hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh
Về chủ thể:
Quan hệ kinh doanh thương mại có thể được thiết lập bởi giữa các thương nhân với nhau hoặc là giữa thương nhân với bên không phải thương nhân. Các cá nhân, tổ chức này phải có đăng ký kinh doanh. Như vậy, phải có ít nhất một bên tham gia là thương nhân.
Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp, các cá nhân tổ chức khác cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại như: tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Về mục đích:
Tranh chấp kinh doanh thương mại phải có mục đích lợi nhuận.
Chỉ cần xác định có mục đích lợi nhuận khi xác lập quan hệ kinh doanh thương mại mà không cần phụ thuộc vào kết quả có lợi nhuận hay không có lợi nhuận. Nếu chỉ vay tiêu dùng (hoặc vay thuộc diện xóa đói giảm nghèo) thì đó là tranh chấp dân sự.
Là tranh chấp phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật,của các bên xâm hại đến lợi ích của nhau hoặc do một bên có hành vi vi phạm xâm hại đến lợi ích của bên kia.
Nội dung tranh chấp: những xung đột như về quyền, về nghĩa vụ và về lợi ích của các bên trong hoạt động thương mại. Các quan hệ thương mại có bản chất là các quan hệ tài sản, vì thế nội dung của tranh chấp thường liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các bên.
Các hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh
Theo quy định tại điều 317 của Luật Thương mại 2005 có quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp như sau:
Thương lượng giữa các bên.
Thương lượng là phương thức giải quyết đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.
Kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào đảm bảo việc thực thi đối với thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng.
Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải
Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
Phương thức hòa giải cũng được các bên ưu tiên lựa chọn vì thủ tục nhanh gọn, chi phí thấp, các bên có quyền định đoạt, không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, uy tín, bí mật kinh doanh được giữ kín. Tuy nhiên kết quả hòa giải cũng không được pháp luật bảo đảm thi hành, hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của các bên.
Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên, là bên thứ ba độc lập. Đối vụ việc thuộc thẩm quyền và nhận được yêu cầu của các bên thì Trọng tài mới nhận giải quyết tranh chấp. Phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm, không có kháng cáo hay kháng nghị, đây là ưu thế vượt trội so với hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa giải. Phán quyết của Trọng tài buộc các bên phải tôn trọng và thực hiện. Thông thường vụ việc đều được xét xử nguyên tắc trọng tài xử kín để bảo đảm tính bảo mật.
Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước. Phán quyết của tòa án mang tính bắt buộc thực hiện và được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Tòa án chỉ nhận giải quyết vụ việc khi có yên cầu của các bên và tranh chấp thuộc thẩm quyền của tòa.
Nếu Quý khách có bất kỳ khó khăn, thắc mắc xin vui lòng liên hệ với công ty chúng tôi - Công ty Luật Apolo Lawyers qua email: contact@apolo.com.vn hoặc Hotline - 0903.419.479 để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.
>>> Xem thêm: Dịch vụ Luật sư tư vấn tạm ngừng kinh doanh
>>> Xem thêm: Dịch vụ thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp
APOLO LAWYERS