Người điều khiển phương tiện giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật về tuổi, giấy phép lái xe, độ an toàn của phương tiện,… Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm về hành vi do mình gây ra.
Người gây ra tai nạn giao thông có trách nhiệm bồi thường toàn bộ cho bên bị hại, đây được xem là trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khoẻ cho người bị hại, bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc, viện phí và chi phí cho các dịch vụ y tế theo chỉ định của bác sĩ.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị hại. Là các khỏan thu nhập lẽ ra người bị hại có thể nhận được nếu không bị tai nạn.
- Chi phí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
- Ngoài ra, người bị hại còn được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm: mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Cẩm Tú
(Nguồn: luatsutructuyen.net)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.