Được tạo ra nhằm mục đích bảo đảm cho một giao dịch được thực hiện, vai trò của hợp đồng đặt cọc cũng không kém phần quan trọng so với hợp đồng chính. Trong trường hợp vi phạm hợp đồng đặt cọc, bên vi phạm sẽ bị phạt cọc đối với hành vi của mình.
1/ Định nghĩa đặt cọc theo quy định pháp luật
Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật định nghĩa khái niệm đặt cọc như sau:
“Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”
Đặc điểm của hợp đồng đặt cọc:
- Tài sản dùng để đặt cọc có thể là tiền, kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.
- Đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện giao kết.
- Khi hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Như vậy, việc giao kết hợp đồng đặt cọc là cơ sở để đảm bảo các bên sẽ tiến đến giao kết hợp đồng phục vụ cho mục đích chính của các bên, tránh trường hợp một bên đột nhiên không muốn bán hay một bên không muốn mua.
2/ Mức phạt vi phạm của hợp đồng đặt cọc
Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ví dụ: A thỏa thuận mua nhà của B với giá 500 triệu đồng, A đặt cọc 50 triệu đồng cho B để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng mua bán nhà. Đến ngày hẹn, B không chịu bán nữa. Vậy B có trách nhiệm trả lại cho A 50 triệu đồng và phải đưa thêm 50 triệu đồng nữa cho A vì đã vi phạm hợp đồng đặt cọc.
Cẩm Tú
(Nguồn: luatsutructuyen.net)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.