Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi thực hiện hợp đồng thương mại, bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định chế tài nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng, Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định một số trường hợp được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương mại:
“Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm
1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.”
1/ Xảy ra sự kiện bất khả kháng
Theo quy định của BLDS năm 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Ví dụ: thiên tai ập đến bất ngờ, các bên không kịp bảo quản hàng hóa, dẫn đến thiệt hại xảy ra.
2/ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Bên có nghĩa vụ sẽ được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương mại khi bên bị vi phạm đã có hành vi cố tình gây trở ngại khiến bên có nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
3/ Hành vi vi phạm xảy ra do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước
Thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại dẫn đến hành vi vi phạm. Trong trường hợp này, các bên vẫn được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương mại, nếu tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể biết về việc ban hành quyết định đó của cơ quan nhà nước.
Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ phải chứng minh mình thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì mới được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương mại.
Cẩm Tú
(Nguồn: luatsutructuyen.net)
Trong trường hợp Quý khách cần sự tư vấn trực tiếp từ Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi - Công ty Luật APOLO LAWYERS.